'Nguyên tắc vàng' cho sức khỏe của bé

Cập nhật: 14-02-2012, 11:05 am
 

Lời khuyên từ bác sĩ Cha mẹ nên cẩn thận khi bé không được khỏe. Nếu bé nhà bạn ốm, bạn nên đưa con đi khám bác sĩ. Nếu bác sĩ không tìm ra điều gì bất thường thì bạn đừng ngại đưa bé đi khám lại vào ngày hôm sau, nếu các triệu chứng chưa thuyên giảm.

Nên cho bé đi kiểm tra tổng quát sức khỏe như cân nặng, chiều cao, thính giác, thị giác, sức khỏe răng miệng, các dấu hiệu dị ứng... trước khi bé bắt đầu bước vào bậc tiểu học. Những bé dưới 5 tuổi, đi học mẫu giáo có thể mắc khoảng 8 loại virus mỗi năm.

Lời khuyên từ chuyên gia sức khỏe và thể chất

Nên cho bé ra ngoài trời và dạy bé các hoạt động, các môn thể thao thích hợp với lứa tuổi. Nếu có thể, nên cho bé nhà bạn tham gia một lớp học thể thao, khiêu vũ, bơi lội, võ thuật, thể dục nhịp điệu, múa, học nhảy...

Tránh cho bé ăn đồ ăn vặt liên tục. Những bữa ăn được mẹ chuẩn bị ở nhà với rau quả tươi rất hữu ích cho bé nhà bạn bây giờ và cả về sau này. Với những bữa phụ của bé, bạn cũng nên tự chuẩn bị sẵn cho con. Nên chọn những món bé thích nhưng phải tốt cho sức khỏe như rau quả, dưa chuột, carrot, bánh quy ít đường... Chuẩn bị hoặc dặn bé uống đủ nước lọc trong ngày. Nước quả hay nước ngọt thì nên hạn chế, không được coi là đồ uống lành mạnh hàng ngày.

Hãy làm tấm gương năng động cho bé nhà bạn: Khi đi công viên với con, đừng ngồi yên trên ghế mà hãy tham gia vui chơi cùng bé. Người lớn có thể chơi cầu trượt, chơi đu quay cùng các bé. Đồng thời, các bé cũng rất hào hứng khi được tham gia cùng cha mẹ.

Lời khuyên từ chuyên gia tâm lý

Hãy tạo cho bé những khoảng thời gian thư giãn, không ngồi trước màn hình tivi. Hướng dẫn bé các hoạt động mà bé có thể tham gia cùng cả nhà như nấu ăn, lau nhà, thu dọn nhà cửa, trồng cây... Khi cả nhà ngồi ăn cùng nhau, nên ngồi trên bàn ăn, không có tivi và vui vẻ nói chuyện cùng nhau.

Tạo thói quen để bé bộc lộ những suy nghĩ của bé. Khi bé cáu kỉnh hoặc khó chịu, hãy để bé có cơ hội bộc lộc cảm xúc của bé rồi hướng bé tới những cách giải tỏa khó chịu được chấp nhận.

Chuyên gia giấc ngủ

Tạo cho bé thói quen ngủ đúng giờ hàng ngày. Càng có thói quen ngủ đúng giờ sớm thì càng tốt. Cha mẹ cũng nên nhận ra những dấu hiệu bé buồn ngủ để đưa bé đi ngủ kịp thời. Nếu quá cơn buồn ngủ hoặc quá mệt, bé sẽ khó khăn để ngủ hơn.

Khi bé lớn lên thì các dấu hiệu buồn ngủ ở bé cũng thay đổi dần. Vì thế, cha mẹ phải nhận biết được sự khác biệt này để cho bé đi ngủ khi nhận ra bé đã buồn ngủ.

Nha sĩ

Cha mẹ nên đánh răng cho bé mỗi tối cho đến khi ít nhất bé được 5-8 tuổi. Giám sát việc đánh răng cho con đến khi bé được 10 tuổi. Nhiều bé thích được tự đánh răng nhưng chỉ nên cho bé làm việc này sau khi đã được mẹ đánh răng cho.

Nguyên tắc bú bình khỏe mạnh: Bé nên được chuyển từ bú bình sang dùng cốc khi 1 tuổi. Từ độ tuổi này, không nên cho bé dùng bình sữa làm công cụ dỗ ngủ vì bé có thể bị sâu răng sữa. Nên vệ sinh răng miệng cho bé sau mỗi cữ bú bình, nhất là vào buổi tối (cách đơn giản nhất là tráng miệng bằng nước lọc cho bé sau bú bình). Không được cho bất kỳ đồ uống ngọt nào vào bình sữa của con.

Ăn uống lành mạnh cho răng chắc khỏe: Ăn vặt luôn mồm là “kẻ thù” của răng. Nhiều trường mẫu giáo cố định lịch ăn uống cho bé với 3 bữa chính, 2 bữa phụ. Đó là cách để hạn chế sâu răng sữa.

(Theo Me&be)

Chia sẻ:

Xem tin khác