TGĐ Veesano trả lời phỏng vấn trên Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư T2/2012

Cập nhật: 01-03-2012, 10:29 am
Mức tăng trưởng hằng năm của một doanh nghiệp sản xuất đồ chơi gỗ như Veesano khoảng 20-30%. Tỉ suất lợi nhuận chừng 20%, theo ông Lưu Văn Quảng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Veesano.
 
Thị trường tiềm năng
 
Đồ chơi trẻ em nếu phân theo chất liệu có thể chia làm 3 loại chủ yếu: nhựa, vải và gỗ. Ở phân khúc đồ chơi cao cấp, các doanh nghiệp chỉ phân phối là chính chứ không sản xuất. Công ty Việt Tinh Anh chẳng hạn, đang phân phối độc quyền đồ chơi Lego, Veesano phân phối đồ chơi Benho. Hầu hết các doanh nghiệp còn lại đều chọn sản xuất nhằm tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ và nguồn nguyên liệu dồi dào.
 
Sản xuất đồ chơi gỗ cần khá nhiều nhân công với nguồn nguyên liệu chính là gỗ cao su và gỗ thông. Tuy nhiên, do gỗ thông của Việt Nam chứa khá nhiều dầu nên các doanh nghiệp vẫn phải nhập từ Úc và New Zealand.
 
Doanh nghiệp đứng đầu trong sản xuất đồ chơi gỗ là Nam Hoa với thị phần chiếm 30% thị trường. Giống như các doanh nghiệp sản xuất đồ chơi lớn khác, Nam Hoa đang chú trọng xuất khẩu. Thị trường trong nước hiện chỉ có không tới 10 doanh nghiệp tham gia với các tên tuổi như SD Tiền Giang, Gỗ Đức Thành, Veesano...
 
Ông Quảng, Giám đốc Veesano, cho biết, thị trường đồ chơi trẻ em bằng gỗ trên toàn thế giới đạt doanh số 10-15 tỉ USD/năm. Trong đó Trung Quốc dẫn đầu với 85% thị trường, sau đó là Đức, Thái Lan, Ấn Độ. Việt Nam có điều kiện tốt để sản xuất đồ chơi gỗ nhưng lại không nằm trong nhóm các nước sản xuất đồ chơi mạnh nhất. Ông cho biết thêm, năm 2008, mức tăng trưởng doanh thu của Veesano lên tới 70-80%. Mức tăng trưởng doanh thu trung bình hằng năm khoảng 20-30%. Tuy nhiên doanh thu vài chục tỉ đồng mỗi năm không phải là con số hấp dẫn các nhà đầu tư.
 
Gia nhập thị trường từ năm 2007, Gỗ Đức Thành đã sớm trở thành doanh nghiệp chiếm thị phần lớn trên thị trường đồ chơi gỗ tại TP.HCM với thương hiệu Winwintoys. Trong khi đó, Veesano khống chế thị trường đồ chơi gỗ tại Hà Nội. Năm 2011, doanh thu từ mảng sản xuất đồ chơi gỗ của Đức Thành đạt 40 tỉ đồng (14 tỉ đồng bán trong nước, 26 tỉ đồng từ xuất khẩu). Đức Thành là doanh nghiệp chế biến gỗ, máy móc có sẵn, lại tận dụng được lợi thế nguồn gỗ vụn từ mảng kinh doanh nội thất. Lãnh đạo của Đức Thành cho biết đang lên kế hoạch đưa doanh thu từ đồ chơi gỗ lên chiếm 40% tổng doanh thu toàn công ty trong vòng 5 năm tới.
 
Khó mở rộng
 
Khi mới đưa đồ chơi gỗ ra thị trường (năm 2006), Veesano đã gặp khó khăn khi làm việc với các điểm phân phối. Lý do là đồ chơi gỗ khi đó vẫn còn xa lạ so với đồ chơi nhựa, khó chơi hơn và phải cạnh tranh khốc liệt về giá với đồ chơi Trung Quốc chiếm tới trên 70% thị trường.
 
Trước đây, các bậc phụ huynh thường mua đồ chơi cho con cháu bởi họ không có thời gian chơi với trẻ. Tuy nhiên, đồ chơi gỗ lại đòi hỏi phụ huynh phải chơi cùng để hướng dẫn cho trẻ. Thêm vào đó, đồ chơi gỗ không có nhiều tính năng như đồ chơi nhựa, không có đèn sáng nhấp nháy, âm thanh vui tai, nút điều khiển. Bù lại, đồ chơi gỗ kích thích sự tìm tòi, khám phá, qua đó góp phần phát triển trí thông minh và óc sáng tạo của trẻ. Độ bền của đồ chơi gỗ cũng cao hơn đồ chơi nhựa. Hơn nữa, độ an toàn trong đồ chơi gỗ cũng cao. Tiêu chí an toàn được các cha mẹ quan tâm và đặt lên hàng đầu.
 
Nhờ những ưu điểm đó, đồ chơi gỗ đã nhanh chóng được thị trường đón nhận. Năm 2008, tăng trưởng của Veesano lên tới 70%. Năm 2012, doanh nghiệp này có kế hoạch tăng công suất 40-50% so với hiện tại. Hiện nay công suất của Veesano chưa đáp ứng đủ nhu cầu nội địa. Do vậy, dù có nhiều lời mời đặt hàng xuất khẩu, doanh nghiệp này vẫn chưa nhận lời. Lãnh đạo công ty này đánh giá, thị trường trong nước vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển.
 
Tính đến nay, Veesano đã có hệ thống đại lý tại 50 tỉnh thành trên cả nước. Trong khi đó, Gỗ Đức Thành đã xây dựng được 870 cửa hàng.
 
Thực tế cho thấy, đồ chơi gỗ hiện nay vẫn chủ yếu nhắm vào khách hàng thu nhập trung bình khá trở lên. Thị trường chính vẫn là các thành phố. Việc mở rộng thị trường tới nông thôn là điều không hề dễ dàng, trong khi 70% dân số Việt Nam sống ở nông thôn. Ông Quảng, cho biết mỗi năm Veesano sản xuất khoảng vài triệu sản phẩm đồ chơi gỗ. Tuy nhiên, các sản phẩm này được bán chủ yếu tại các thành phố, thị xã.
 
Tại các vùng nông thôn, đồ chơi Trung Quốc vẫn chiếm lĩnh thị trường với ưu thế mẫu mã đa dạng và giá rẻ. “Phải mất một thời gian khá lâu nữa, đồ chơi gỗ của các doanh nghiệp trong nước mới chiếm lĩnh được thị trường này”, ông Quảng nhìn nhận.
 
Ông Trương Nguyên Vũ, Giám đốc nhãn hàng Winwintoys, cho biết để đồ chơi gỗ tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng, đặc biệt là khách hàng nông thôn, Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ. “Quy định về tính an toàn của đồ chơi đã được ban hành từ năm 2009 với việc dán nhãn cho đồ chơi hợp quy. Tuy nhiên, đồ chơi kém chất lượng được nhập lậu vẫn tràn lan trên thị trường và trở thành đối thủ của các sản phẩm đồ chơi hợp quy”, ông Vũ nói.
 
Theo Lê Dung 
NCĐT
Chia sẻ:

Xem tin khác