Báo Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính viết về Đồ chơi gỗ Veesano

Cập nhật: 13-11-2012, 4:09 pm

Cùng với sự phát triển của xã hội, những sản phẩm đồ chơi trẻ em chuyển từ đơn thuần chỉ để vui chơi sang hướng mới là giúp trẻ vừa chơi vừa tư duy để phát triển trí tuệ. Với xu hướng này, tại Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ đồ chơi gỗ những năm qua đã nhanh chóng tăng cao, nhưng cho đến nay chỉ mới có vài DN nội chú trọng đến thị trường này.

Lợi ích lớn

Theo số liệu thống kê, hiện mỗi năm tổng doanh thu của ngành đồ chơi gỗ trên toàn thế giới đạt từ 10-15 tỷ USD. Đáng buồn là dù ngành gỗ Việt Nam phát triển mạnh, nguồn hàng xuất khẩu cao nhưng nước ta lại không có mặt trong nhóm các nước mạnh về sản xuất đồ chơi gỗ. Vị trí dẫn đầu của mặt hàng này hiện nay là Trung Quốc, chiếm lĩnh khoảng 85% thị phần toàn thế giới.

Tiếp theo đó là các nước Đức, Thái Lan, Ấn Độ. Với tỷ lệ trẻ em chiếm hơn 1/3 trong tổng số 88 triệu dân, Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng cho ngành công nghiệp đồ chơi trẻ em, nhất là khi mức sống ngày càng được cải thiện. Song tại thị trường trong nước, sản phẩm đồ chơi gỗ xuất xứ Trung Quốc đang chiếm đến 70% và hấp dẫn mạnh mẽ bởi sự đa dạng về mẫu mã, chủng loại và giá rẻ.

Nhận định về tiềm năng của thị trường đồ chơi gỗ Việt Nam, một đại diện của CTCP Gỗ Đức Thành cho biết những năm gần đây, người tiêu dùng đã thay đổi quan điểm khi lựa chọn những đồ chơi an toàn cho trẻ em và đặc biệt ưa chuộng những đồ chơi thông minh, vừa chơi vừa học.

Trong khi đó, thị trường có rất ít đơn vị sản xuất đồ chơi gỗ an toàn. Vì lẽ đó, thị trường đồ chơi gỗ đang rất có tiềm năng. Ông Lưu Văn Quảng, Tổng giám đốc CTCP Veesano, chia sẻ hiện các doanh nghiệp (DN) sản xuất đồ chơi gỗ có mức tăng trưởng khoảng 20%/năm, thậm chí có đơn vị tăng trưởng đến 30%/năm và tỷ suất lợi nhuận cũng đạt ở mức 20%/năm.

 So với hàng ngoại, đồ chơi gỗ “made in Việt Nam” có mặt trên thị trường cũng không thua kém về màu sắc, mẫu mã, chất lượng và còn vượt trội hơn vì phù hợp với tâm lý, sự phát triển của trẻ em Việt Nam. Tuy nhiên, do còn ít DN tham gia vào thị trường nên vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nội địa lẫn xuất khẩu.

Chờ thương hiệu nội

Hiện nay, đồ chơi trẻ em lưu hành trên thị trường được làm từ 3 chất liệu là nhựa, vải và gỗ. Đối với đồ chơi gỗ, trước đây, các DN chỉ nhập hàng về để phân phối, chẳng hạn như thương hiệu đồ chơi gỗ Lego được phân phối độc quyền bởi Công ty Việt Tinh Anh hay Veesano phân phối đồ chơi gỗ Benho.

Tuy nhiên, những năm gần đây, nhận thấy xu hướng tiêu thụ đồ chơi gỗ ở thị trường nội địa ngày càng tăng cao, nhiều DN như Veesano, Gỗ Đức Thành, Nam Hoa… đã tham gia sản xuất để giành lấy thị phần. Với lợi thế hoạt động trong ngành gỗ, có nguồn nguyên liệu, nhân công, nhiều DN đã tham gia vào sản xuất và đưa ra những sản phẩm có giá thành hợp lý, mẫu mã đa dạng, chiếm được lòng tin người tiêu dùng.

Thí dụ, chỉ mới ra mắt thị trường vài năm, thương hiệu đồ chơi gỗ Winwintoys đã được Gỗ Đức Thành xây dựng thành công và chiếm được thị phần lớn tại thị trường TPHCM. Chú trọng đến tính an toàn, đơn vị này đã sử dụng nguyên liệu gỗ cao su đã qua quy trình xử lý nghiêm ngặt, sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại để đảm bảo chất lượng và an toàn đối với trẻ.

Đồng thời, dòng sản phẩm này có mức giá phù hợp với người có thu nhập trung bình khá trở lên. Nhờ đó, doanh số đồ chơi tại thị trường nội địa của Gỗ Đức Thành tăng trưởng liên tục mỗi năm. Cụ thể, năm 2009 công ty đạt doanh số 5,6 tỷ đồng, năm 2010 đạt 10 tỷ đồng, năm 2011 đạt 15 tỷ đồng. Hiện đồ chơi Winwintoys đã có mặt tại hơn 780 cửa hàng đại lý, chợ, hệ thống siêu thị, nhà sách trên toàn quốc.

Trong khi đó, tham gia thị trường từ năm 2006, Veesano phải cạnh tranh khốc liệt với đồ chơi Trung Quốc giá rẻ tràn ngập thị trường. Tuy nhiên, với nỗ lực phát triển những sản phẩm đồ chơi kích thích sự tìm tòi, sáng tạo, Veesano cũng đã được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng, hiện đơn vị này đã xây dựng được một hệ thống với 50 cửa hàng ở các tỉnh, thành trên cả nước. Trong năm nay, Veesano đã lên kế hoạch tăng công suất hoạt động lên từ 40-50% để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Tuy thị trường đã có những thương hiệu nội đảm bảo chất lượng lẫn tính an toàn nhưng so với hàng ngoại, vẫn còn khá ít DN trong nước chú trọng đến mặt hàng này. Một số DN cho biết hiện nhu cầu tiêu thụ nội địa còn lớn nhưng năng lực sản xuất, nguồn nhân công, máy móc còn hạn chế nên lượng hàng sản xuất chỉ mới đáp ứng được cho người tiêu dùng trong nước, nhiều lúc DN phải từ chối các đơn hàng xuất khẩu.

Điều này cho thấy, thị trường đồ chơi gỗ hiện vẫn còn rất nhiều dư địa để các DN trong ngành gỗ có thể khai thác cải thiện doanh thu, tăng cường hàng xuất khẩu, đồng thời đánh bật các loại đồ chơi nhập khẩu thiếu an toàn được bày bán tràn lan trên thị trường.

Đỗ Linh
Link gốc: http://www.saigondautu.com.vn/Pages/20120927/Con-nhieu-du-dia.aspx
Chia sẻ:

Xem tin khác